Biển Khóc

Rồi một ngày, trước biển khơi hoang lạnh, em nói em phải rời xa tôi.

Tôi lặng im nhìn em, rồi nhìn biển. Sóng dệt cát, nâng lên bờ những con nước trắng xóa bọt. Rồi rút đi, để lại dải bạc lấp lánh dưới nắng ban trưa.

Tôi hỏi em, vì sao, vì sao. Em trả lời rằng một câu không liên quan: “Yêu nhau thì phải nghĩ đến điều tốt nhất cho nhau.”

Tôi chợt gào lên, bảo em vất hết đống tình yêu cao thượng hòan hảo đó đi. Thứ tình yêu đó không có thật. Tình yêu với tôi là có em, có bờ vai em mảnh khảnh, có đôi mắt và mái tóc em dịu dàng, có những sáng chở em đến trường, những trưa cùng nhau ăn cơm quán, mỗi chiều rảnh rỗi thả bước giữa rừng thông tím thẫm, và những đêm ngồi kề bên nhau trên cát, giữ cho nhau chút hơi ấm và cùng lặng ngắm mặt trăng vàng tan trên biển lung linh.

Giọt nước mắt đọng trên mi em. Tôi hiểu em, em là người sống bằng quá khứ. Chỉ cần tôi gợi lại những kí ức êm đẹp đó, em sẽ lại bị buộc giữtrong vòng tay tôi. Tôi tưởng mình đã thắng.

Nhưng giọt nước mắt không lăn xuống. Em nhấp nháy mắt, nuốt đi nỗi đau sắp tràn. Em không lao vào vòng tay tôi như mọi lần.

Em, một người con trai. Yếu đuối. Nhưng cương quyết. Vậy mà tôi đã không nhận ra…

Có phải tôi đã để em dựa vào tôi quá nhiều, đến mức chẳng thể tin được một ngày em sẽ không cần bờ vai tôi nữa ?

“Làm sao em biết thế nào là điều tốt nhất cho tôi?” Tôi hỏi lạnh lùng.

“Trở lại cuộc sống của một người bình thường, một người đàn ông đúng nghĩa, lấy vợ, có con, và…”

“Làm sao em biết đó là điều tốt nhất?” Tôi gằn giọng, nắm lấy bờ vai em, cái bờ vai nhỏ bé ngày xưa tôi ôm ấp vỗ về, giờ đây tôi rung nó thật mạnh. Tôi giận em?

Em chỉ mỉm cười. Hai mắt em long lanh, nhưng cạn ráo.

“Em phải đi!”

Và tôi biết mình đã thua. Hai tay tôi rớt xuống, buông thõng. Không giữ em nữa. Không giữ em được nữa. Hay có lẽ chính tôi cũng không muốn giữ?

Em quay lưng với tôi, quay lưng với trời kỉ niệm, quay lưng với quá khứ. Bỏ đi trên cát. Bên cạnh biển cả mênh mông.

– Anh có nghe tiếng sóng không?

– Có, em ạ!

– Người ta thường ví tiếng sóng với tiếng gì, đố anh đấy?

– Ừm… hình như là tiếng hát. Tiếng hát ngàn đời của đại đương.

– Người ta lầm rồi, anh à! Tiếng sóng là tiếng khóc của biển đấy. Khóc giùm cho con người… Chừng nào con người còn đau khổ, chừng nào thế gian này còn lệ rơi, chừng ấy, biển vẫn còn sóng vỗ.

Từ lúc đó, tôi không bao giờ trở lại biển một lần nào nữa, dù chỉ để ngắm nhìn. Tôi chạy trốn biển, để khỏi bị gợi nhắc tới một khỏang trống trong lòng. Khỏang trống ấy, dù có đổ đầy bao nhiêu, bằng công việc ngập đầu, bằng bạn bè với những cơn say, bằng người bố già hay đau yếu, vẫn chẳng thể nào lấp được.

Dường như chỉ có một niềm an ủi duy nhất với tôi lúc ấy, là Quyên, cô bạn thân từ hồi cấp ba. Cô là người con gái duy nhất biết về con người thật của tôi, về tình yêu lạ thường đã mất của tôi. Cô vẫn chấp nhận tôi, vẫn yêu quí tôi như cái thuở chúng tôi còn cùng nhau ôn thi đại học. Hơn cả một người bạn, Quyên còn là một người chị của tôi.

“Mình sẽ đi!” Tôi thông báo với cô bạn thân bằng một câu ngắn gọn.

“Đi trốn à?” Quyên tinh nghịch hỏi tôi, nhưng sao mắt thật buồn. Tôi mỉm cười, cô vẫn luôn hiểu tôi, như trước giờ vẫn hiểu tôi. Nắm lấy tay cô bạn, tôi gật đầu nhẹ.

“Chăm sóc bố giùm mình! Mình sẽ đón bố đi sau, khi nào mình tìm được công việc và chỗ ở ổn định.”

“Sao nhờ khéo vậy? Dạo này bác cũng hay nhắc mình sang chơi!”

Rồi tôi rời xa phố huyện nhỏ miền trung, tìm đường tiến thân nơi thị thành hoa lệ. Cũng để rời bỏ biển của ngày xưa. Vùi mình vào vòng xóay bất tận của cuộc sống quay cuồng. Vòng xóay ấy, tôi hy vọng, sẽ cuốn tôi đi, bỏ rơi những chân trời hồng lựu của buổi bình minh, bỏ rơi khúc ru rừng phi lao khe khẽ quyện hương gió mặn mà mùi muối, bỏ rơi thảm cát cong mình bên dải đất nghèo với những chú dã tràng còng lưng gồng gánh quanh năm…

Những nơi chốn ấy, mỗi khi xuất hiện trong tâm trí tôi, đều ào ạt cuốn theo hình bóng một người…

Có những tối, ngủ quên trên bàn với những sổ sách nhận làm thêm, tôi lại mơ về em. Cuộc sống lôi tôi bước vội ban ngày, nhưng đêm trả tôi về với miền bình yên xưa cũ.
Em ở đó, bóng dáng nhạt nhòa, nhưng đang giơ tay vẫy gọi tôi. Vậy mà mỗi khi tôi bước một bước về phía em, thì em lại xoay người bỏ đi. Trong mơ, em không khóc. Chỉ có tôi, lúc giật mình tỉnh dậy, chợt thấy những giọt nước thấm đẫm trên mặt bàn.

– Sao em dễ khóc thế nhỉ?

– Sao lại hỏi em? Chắc tại em … nhạy cảm, hihi!

– Ặc! Con trai lớn rồi còn mít ướt, lêu lêu!

– Ừ, cứ chọc em đi! Rồi sẽ có ngày em không bao giờ khóc nữa đâu!

Em! Làm sao tôi biết sẽ có một ngày như thế? Ngày ấy, bên biển, em nói lời chia tay tôi, nhẹ nhàng, đơn giản, và chẳng có giọt nước mắt nào rơi. Tôi hụt hẫng, chới với. Một chỗ dựa, tưởng như vững chắc lắm, nhưng khi mất đi cái vẫn thường dựa vào mình, bỗng trở nên bấp bênh, nghiêng ngả. Tôi yêu em, lầm tưởng tình yêu của mình với tình yêu dành cho một người con gái mỏng manh và yếu đuối.

Em không yếu đuối. Người yếu đuối chính là tôi. Người đã khóc chính là tôi.

Năm tháng trôi, để lại cho lòng người một sự mơ hồ đáng sợ. Nhập nhằng giữa quá khứ và tương lai. Kỉ niệm vẫn tràn về, dẫu có thưa đi, và tương lai đang nhào tới, thật gần, với những ngả đường lựa chọn thật khó khăn.

Bố gọi điện cho tôi vào một đêm thanh vắng.

“Bố! Sao giờ này bố còn chưa ngủ? Dạo này trái gió chân bố còn nhức không? Bố có thường xuyên uống thuốc bổ con gửi về không? Tiền con đưa bố vẫn còn đủ xài đến tháng sau chứ?”

“Cái thằng quỉ! Tao gọi điện thoại hỏi thăm mày chứ không phải để mày hỏi ngược lại tao! Dạo này ra sao rồi con?”

“Vẫn vậy thôi bố ơi.” Tôi cười, vui vì nghe giọng bố đã khỏe hơn, “Con đang làm một dự án lớn, nên có hơi bận một chút…”

“Bận gì thì bận cũng phải tính chuyện cưới vợ cho rồi chứ con!”

Tôi nghe giọng bố tha thiết trên máy. Chỉ biết im lặng. Vấn đề này đã nói đi nói lại bao nhiêu lần rồi. Tôi lại định đưa ra những lí do cũ. Nhưng chưa gì bố đã thở dài.

“Thôi mày khỏi viện cớ! Tao biết cái đầu mày giờ chỉ có công danh sự nghiệp thôi! Nhưng mà…”

Tôi nghe bố nói lâu, thật lâu. Chỉ muốn bật thốt lên một lời: Bố ơi, con xin lỗi! Tôi biết, lời xin lỗi ấy là không đủ, mãi mãi không đủ. Nhưng vẫn không dám nói. Giống như ngày xưa còn nhỏ, mỗi lần phạm lỗi, đứng trước mặt bố, nghiêm nghị nhưng không quở trách hoặc đòn roi, tôi vẫn chẳng thể thốt ra câu đơn giản ấy.

“Tháng sau về đám giỗ mẹ mày, nhớ gặp và cảm ơn con Quyên nghe con! Tao thương nó như con gái. Nhờ có nó mà… Ờ thôi, mày ngủ đi, khuya rồi! À mà chiều nào qua chăm sóc tao, nó cũng nhắc tới mày hết đó!”

Cuộc sống có những định mệnh riêng dành cho mỗi con người. Ai bảo mình có thể làm chủ được số phận? Tình yêu ư? Cuộc đời này có nhiều cái còn quan trọng hơn nó. Giờ thì tôi hiểu lời em. Em đã chọn lựa điều tốt nhất cho tôi, hay điều mà em nghĩ là tốt nhất cho tôi.

Có lẽ, em đã chọn đúng.

Tôi sẽ lấy vợ.

Nỗi đau ngày xưa cho tôi biết rằng, sống không chỉ vì mình, mà còn vì nhiều người khác nữa. Em vì tôi nên rời xa tôi, tôi vì bố nên sẽ làm điều mà mọi thằng đàn ông bình thường lẫn không bình thường khác trên thế gian này phải làm.

Đó là điều lý trí nói. Không phải trái tim.

Chuỗi ngày ấy trôi qua, tan nhanh như là ảo ảnh. Tôi về quê, trở về phố huyện, gặp lại người thân và bạn bè xưa cũ, nhặt nhạnh từng mảnh kí ức bị bỏ rơi. Tình yêu một thời những tưởng sẽ lại bùng lên, nay đã nguội tắt. Hoặc còn âm ỉ đâu đó nhưng mệt mỏi vì xa cách và tháng năm. Tôi cưới Quyên, cô gái tinh nghịch nhưng có đôi mắt thật buồn, người bạn thân ngày thơ bé, suốt mấy năm tôi xa nhà vẫn luôn quan tâm và lo lắng cho người bố bệnh tật của tôi. Quyên đã làm nhiều điều cho tôi quá, chờ đợi tôi lâu quá. Tôi hằng luôn biết cô yêu tôi, bất chấp sự thật về tôi. Cả đời này, tôi nợ Quyên cả tình lẫn nghĩa.Ngày đám cưới. Có rượu và có nến. Có hoa và có những bài hát. Có lời chúc tụng và có những nụ hôn.Có niềm vui. Thật nhiều.

Nhưng có cả niềm chát đắng.

Trong cơn say khi uống với các ông chú, ông bác, tôi bỗng chợt thấy em. Em, trong những giấc mơ ẩn chứa nụ cười, và vẫy tay với tôi, hiện về giữa thực tại. Em đứng đó, không khóc, chỉ thầm lặng nép vào một góc và nhìn tôi. Vẫn mái tóc mềm ngày xưa, vẫn đôi mắt trong veo sâu như lòng biển, nhưng bờ vai đã rộng, đã mạnh mẽ hơn.

Tôi đứng lên khỏi bàn tiệc, không dám tin vào mắt, sợ rằng sự thật hiển hiện chỉ là ảo ảnh đau lòng mà những ly rượu mang đến cho tôi. Tôi bước về phía em, và cũng như trong những cơn mộng mị, em quay lưng và bỏ đi.

Tôi, có nên đuổi theo em, hay là không?

“Kìa anh!”

Quyên, cô bạn thân, vợ tôi đang níu lấy tay áo. Tôi nhìn cô. Và tôi nhìn em. Em không còn ở đó nữa. Cũng giống như ngày trước, tôi đã để em đi mà không đuổi theo níu giữ.

Mà thôi, níu, để làm gì ?

Có còn gì nữa đâu?

Yêu thương, đã chết. Giấc mơ, đã hết.

– Tại sao biển lại có vị mặn, anh?
– Em lại hỏi những câu nhảm nhí nữa rồi! Anh không biết!
– Ngốc! Chẳng phải em đã nói với anh rồi sao? Tiếng sóng là tiếng khóc của biển đấy! Nước biển, cũng mặn như nước mắt thôi!

Sau hôn lễ một tháng, tôi đón bố và vợ lên thành phố. Một lần nữa chạy trốn biển. Chạy trốn em. Chạy trốn tôi.

Thăng tiến trong công việc, cuộc sống gia đình, và đứa con gái đầu lòng. Những hạnh phúc mới. Những bộn bề mới.

Mỗi năm tôi trở lại phố huỵên một lần vào ngày giỗ mẹ. Và ngay sau đó, để bố, vợ và con gái ở quê chơi một thời gian, còn tôi lúc nào cũng lấy cớ công việc để trở về thành phố sớm. Ở lại làm gì cái nơi chốn đong đầy vết thương?

Một lần ngoại lệ, tôi ở lại quê thêm ít lâu vì muốn đóng góp từ thiện cho một làng trẻ em mồ côi. Khi tài xế chở tới nơi, tôi mới nhận ra, đó là một khu nhà nhỏ xây dựng bên rừng thông nhìn ra biển. Không muốn nhìn cảnh ấy, tôi vừa đi, vừa cúi đầu xuống đếm từng viên gạch lát đường. Nhưng vẫn không thể không nghe tiếng rừng thông vi vu điệu nhạc sáo, tiếng gió rít hun hút từ khơi xa, và tiếng sóng dồn dập vỗ bờ.

Hay tiếng khóc?

Bước vào cửa trước, tôi ngẩng lên. Và nhìn thấy em. Em ngồi đó, giữa bầy trẻ nhỏ, nụ cười tươi tắn nở trên môi.

“Anh quản lí ơi! Giám đốc tôi đến nè!” – Người tài xế của tôi gọi.

Em ngước lên. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau. Và bàn tay chúng tôi chạm nhau, khi em bình thản bắt tay tôi và mỉm cười.

“Chào anh! Khi biết tin có người đóng góp một khỏan tiền lớn cho làng SOS, tôi rất mong được người đó. Hôm nay thật…”

“Em!”

Em không nói gì. Vẫn mỉm cười. Chỉ có tôi đau. Nỗi đau chưa bao giờ được chữa lành. Khỏang trống trong tim bao năm qua vẫn còn đó. Tôi chỉ có thể che nó lại, để quên, chứ không thể lấp đầy.

Vì em đã lấy nó đi mãi mãi.

Chúng tôi đi dạo cùng nhau ra biển. Vậy mà có lúc tôi từng nghĩ cả đời này sẽ không bao giờ dẫm chân trên cát một lần nữa. Chúng tôi chia tay nhau bên biển, và gặp lại nhau cũng bên biển. Để nghe biển khóc than. Để nghe sóng tung mình đập vào đá vỡ tan thành muôn ngàn bọt trắng. Để nghe sóng lướt mình trên bãi, thấm vào tận lòng từng hạt cát nhỏ nhoi.

“Chúc mừng anh có con gái rượu nhé!”

“Sao em biết?” Tôi ngạc nhiên.

“Thỉnh thỏang em có gọi điện cho chị Quyên”, em trả lời nhỏ nhẹ, “Chỉ là để biết tình hình anh dạo này ra sao…”

“Em thật ích kỉ,” Tôi cảm thấy nỗi cay đắng nghẹn trong cổ họng, “Em biết về tôi, trong khi tôi chẳng biết gì về em!”

“Để làm gì, anh?” Em nhìn tôi, và tôi thấy trong ánh mắt ấy, không còn chút gì yếu đuối của người con trai tôi yêu ngày xưa nữa rồi, “Em không muốn anh nhớ gì về em cả!”

“Vậy còn em? Em có nhớ anh không?” Tôi nắm lấy bàn tay em lạnh ngắt. Nhưng em nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, và bỏ đi về phía biển. Tôi nghe trong gió, trong tiếng sóng, lời em thì thầm.

“Đã quên đâu mà nhớ…”

Và một lần nữa, chúng tôi lại chia tay nhau. Cũng giống như lần chia tay trước, chẳng có giọt nước mắt nào rơi khỏi bờ mi. Tình yêu này, kiếp này, có lẽ nên kết thúc.

Tôi quay đầu lại, không nhìn theo bóng dáng ngày càng xa của em nữa. Tôi bước qua những tảng đá đen phủ rêu, bước qua đám rong xanh trôi dạt vào bờ, bước qua những vỏ sò lấp lánh nằm ngủ yên trên cát. Bỏ em và biển lại phía sau. Vĩnh viễn.

– Anh này, em đọc được một câu chuyện, nói rằng nếu một cặp tình nhân muốn chia tay, họ nên chia tay nhau trên biển.
– Em lúc nào cũng thích đọc mấy cái tiểu thuyết lãng mạn đắm đuối ấy nhỉ? Chia tay mà cũng chọn chỗ à?
– Không phải thế đâu anh! Chia tay trên biển, có sóng biển khóc giùm, người ta sẽ đủ can đảm nuốt nước mắt và rời xa nhau…